Đây là một cuốn sách được bàn luận trong số thứ 90 của kênh podcast Better Version. Tớ thích kênh này do ngoài là review, giới thiệu hay tóm tắt sách, bạn chủ kênh còn thêm vào đó nhiều quan điểm bản thân, xem lẫn các dẫn chứng, liên hệ xoay quanh chủ đề đang được nói, từ đó khai phá, mở rộng thêm vấn đề, cho người nghe thêm một góc nhìn bên ngoài góc nhìn của tác giả.
Willpower – tên sách dịch ra là sức mạnh của ý chí, làm sao nhận thức được sự hiện diện của ý chí, bảo vệ và nuôi dưỡng ý chí.
Đầu tiên, lý giải vì sao bạn dễ cáu kỉnh và nản chí?
Thử nghiệm cà rốt so sánh khả năng kiên trì giữa một nhóm người trước đó đã ăn bánh quy nóng hổi thơm phức với một nhóm được cho món carrot tẻ nhạt. Nhóm thứ 2 cùng lúc phải nỗ lực kiềm chế trước sức cám đỗ của đồ ăn hấp dẫn bên kia, chính điều này đã làm tiêu tốn quỹ năng lượng ý chí của họ dẫn đến kết quả cách biệt rõ ràng về thời lượng duy trì sự kiên trì so với nhóm bạn. Từ đó, đưa ra được kết luận rằng, ý chí là một loại năng lượng có hạn trong một thời gian nhất định. Thuật ngữ tâm lý học gọi là, sự cạn kiệt cái tôi (bản ngã), hay còn gọi là cạn kiệt khả năng tự chủ – Ego depletion (Ego depletion is the controversial idea that self-control or willpower draws upon a limited pool of mental resources that can be used up)
Khi một ngày dài bạn đã phải chịu đựng, kháng cự với một đống hỗn độn những cám dỗ trong cuộc sống, năng lượng của bạn vào cuối ngày sẽ bị tiêu hao đáng kể, cùng đó mức độ hoạt động não bộ cũng sụt giảm, từ đó bạn dễ bị mất tập trung, dễ mắc sai lầm, khó kiểm soát cảm xúc, thậm chí phản ứng thái quá đối với những chuyện nhỏ nhặt vô cùng.
Điển hình cho câu chuyện này là trường hợp của những người phải cai nghiện, bỏ thuốc lá, họ có nguy cơ thay đổi tính cách trở thành một người nóng tính, dễ cáu bẳn, nguyên do bởi họ đã phải tiêu hao quá nhiều ý chí cho việc kiềm chế bản thân. Hay ví dụ ở một người bạn giảm cân bằng nhịn ăn, cô ấy có thể giữ bản thân khỏi sự mời mọc, rủ rê ăn uống của bạn bè trong suốt một ngày dài, để đến khi về đến nhà chỉ còn lại một mình, vì đã kiệt sức chống chọi với sự cám dỗ cả ngày hôm nay, cô đã không còn đủ sức để nấu cho mình một bữa ăn tử tế lành mạnh mà thay vào đó là gọi đồ ăn nhanh.
Từ đó ta rút ra được, huy động ý chí để kháng cự, buông bỏ một thói quen hay bất cứ điều gì là một việc không hề nên làm. Vậy chúng ta phải làm sao?
Tác giả hình thành hệ thống 3 phương pháp rèn luyện ý chí
- Bổ sung kịp thời khi ý chí dần cạn kiệt.
- Thí nghiệm sữa lắc và sữa bột cho thấy sự cải thiện ý chí không phụ thuộc vào độ ngon của thức ăn mà vào hàm lượng glucose chứa trong nó. Tuy nhiên, nếu nạp vào quá nhiều tinh bột sẽ khiến bạn hưng phấn lúc đầu và nhanh chóng đói trở lại, thôi thúc cơ thể tìm kiếm thêm đường. Thói quen ăn nhiều đồ ăn nhanh có lượng đường cao lâu dần dẫn đến rối loạn chuyển hoá đường, điều này cũng ảnh hưởng xấu đến hormon điều khiển tâm trạng của bạn. Alors, eat less sugar, you’re sweet enough :))
- Thay vào đó, tác giả khuyên chọn loại thực phẩm năng lượng cao, chỉ số đường thấp, mục đích để giữ mức đường huyết trong cơ thể ổn định, chúng là các loại rau, quả, hạt, chất béo tốt trong dầu oliu, cá,…
- Đây là nền tảng cho sức mạnh ý chí, bạn hoàn toàn có thể ăn vào khả năng tự chủ và duy trì ý chí luôn khoẻ mạnh.
- Ý chí của chúng ta bị tiêu hao trong trường hợp nào?
- Tớ biết đến khái niệm “decision fatigue” từ hồi học tiếng pháp, la fatigue décisionnelle, chỉ trạng thái mệt mỏi khi phải đưa ra quyết định. Thế là từ đó tớ quyết tâm theo lối sống tối giản, để đỡ phải lựa chọn nhiều, nhưng tính lười này đã không thắng được tính đồng bóng của tớ :)) Kinh tế hàng hoá hiện nay đang đưa ra cho người tiêu dùng ngày càng nhiều lựa chọn. Không biết bao nhiêu lần tớ đã trở thành nạn nhân của thói tiêu dùng vô độ, khi đã dành cả mấy tiếng đồng hồ lướt shoppee, tớ kết thúc bằng việc mua sắm bừa bãi những thứ tớ không thực sự cần thiết, hay cũng chẳng thực sự thích, đơn giản tớ chốt đơn vì quá mệt mỏi sau cả giờ lựa đi lựa lại một món đồ, để sau đó thứ tớ cảm thấy là một hai phút thoả mãn ngắn ngủi rồi nhanh chóng rơi vào sự trống rỗng, không đủ tinh thần, sức lực để làm thêm bất cứ việc gì.
- Giống như thanh kẹo socola ở quầy thu ngân, khi những cám dỗ, thôi thúc không lành mạnh hiện lên vào lúc não bộ đã quá mệt mỏi với việc đưa ra quyết định và lựa chọn, con người ta sẽ mất đi khả năng kiểm soát, không thể cưỡng lại mà dễ dàng sa vào nó.
- Nghiên cứu cho rằng mỗi người đưa ra 35000 lựa chọn mỗi ngày, bao gồm những việc nhỏ nhất như phối đồ ra sao hay món ăn trưa nay có nên cho thêm chút muối. Trong hầu hết trường hợp thì những quyết định này chả ảnh hưởng gì đến cuộc sống, không đáng để ta tiêu tốn sức mạnh ý chí quý giá của mình, vì đó tác giả đề xuất mô hình tự động hoá các lựa chọn bằng cách xây dựng thói quen, lên kế hoạch. Khi bạn có trong tay một kế hoạch cụ thể, bạn sẽ giảm bớt được thời gian, công sức đắn đo khi thực hiện công việc. Tuy nhiên, nên tránh lên kế hoạch vào buổi sáng, vì đây là lúc não bộ đang ở trạng thái tốt nhất, khi nó được tái tạo năng lượng sau một giấc ngủ dài. Việc lên kế hoạch sẽ khiến nó mệt mỏi, thay vào đó có thể thực hành chánh niệm hay làm những công việc đòi hỏi sáng tạo vào khoảng thời gian này.
- Thêm vào đó, tác giả phản đối việc đặt quá nhiều mục tiêu, ông cho nó là vô ích, chỉ làm gia tăng sự lo âu. Lý do bởi vì, bản thân những mục tiêu lớn luôn có sự xung đột lẫn nhau, vì không đủ ý chí để chia cho từng cái, kết cục sẽ khiến chúng ta làm ít đi và chả hoàn thành được mục nào. Do đó, ông khuyên chỉ tập trung một mục tiêu vào một thời điểm. Quan trọng hơn là lên kế hoạch dài hạn với tầm nhìn xa. Một kế hoạch ngày dù chi tiết nhưng với tầm nhìn hạn chế nó còn khiến ta khó khăn, thiếu linh hoạt khi cứ buộc phải tuân theo, dễ kéo đến cảm giác thất bại khi không hoàn thành được, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển ý chí về lâu dài.
- Cuối cùng, chìa khoá nuôi dưỡng ý chí nằm ở việc tập trung thay đổi thói quen
- Thí nhiệm rèn thói quen cho 3 nhóm. Nhóm 1 ghi chi tiêu hàng tháng, khống chế thu chi; nhóm 2 duy trì chạy bộ; nhóm 3 đọc sách và ghi nhớ. Kết quả bất ngờ cho thấy, ngoài mục tiêu hiển hiện được thiết lập ban đầu, nhóm 2 có được mức chi tiêu hợp lý hơn; nhóm 3 lại có sức khoẻ thể chất tốt lên so với ban đầu.
- Nguyên do ở đây bởi, tuy làm những việc khác nhau nhưng các nhóm lại cùng rèn luyện hướng đến 1 thứ, đó là ý chí. Chỉ cần tìm ra một thói quen và thực hiện, tự nhiên nó sẽ ảnh hưởng tích cực đến các phương diện khác. Hãy tìm một quân domino cho cuộc đời của bạn. Giống như cuốn sách “The one thing”, tập trung hết mình thay đổi một việc quan trọng duy nhất, cuộc đời bạn sẽ thay đổi.
Nốt điều này nữa thôi bạn ơi, ôi tôi viết bài này từ tuần trước đến tuần này tôi viết tiếp mà tôi thấy giáo điều mệt mỏi quá, làm nhân cách Na bịp của tôi phải ngoi lên, hoặc có thể là do hormon của tôi đang tụt giảm theo chu kỳ, dù sao thì tôi cũng thấy mấy triết lý sau thử nghiệm này rất hay, hay thật, tuy nhiên tôi chỉ là không biết nó sẽ được tôi nhớ và áp dụng trong thực tiễn được bao nhiêu. Thế nhưng mà có một điều quan trọng cuối cùng tôi muốn ghi nhớ, tôi chỉ nói duy nhất một cái cuối này thôi. Đó là NGỒI THẲNG LƯNG là một phương pháp RÈN LUYỆN Ý CHÍ CƯỜNG ĐỘ CAO. Chỉ bằng cách tự nhắc nhở bản thân phải luôn ngồi thẳng lưng trong mọi tình huống, mọi nơi chốn, à không chỉ ngồi mà đứng cũng phải thẳng nhé, từ đó khái quát hoá lên làm gì cũng phải thẳng thắn đàng hoàng, đây chính là đang thách thức ý chí ở cường độ cao, dần dần nâng cao tăng cường cho sức khoẻ ý chí. Thế nhé! Thẳng lưng lên!
Để lại một bình luận